Phim Ảnh

Về VONG NHI (The Unborn Soul)

Chào mọi người, hơn 6 tháng không gặp, không biết mọi người còn nhớ tôi không? Thời tiết Hà Nội dạo này nóng ghê. Khoảng thời gian này tôi vẫn xem phim đều, nhưng vì bận và không có hứng mấy nên chẳng viết được bài nào. Hôm nay sẽ là đôi dòng suy nghĩ về Vong Nhi – phim kinh dị Việt Nam mới ra rạp thời gian trước.

Cảnh báo: Có SPOIL!!! Cân nhắc kỹ trước khi đọc.

.

Vong Nhi là phim tâm lý kinh dị của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường, dựa trên cốt truyện của NSƯT Hạnh Thúy. Phim nói về Thảo, cô gái xinh đẹp hiền dịu đang có cuộc sống hạnh phúc bên người chồng thành đạt tên Tùng. Mái ấm ấy giờ chỉ còn thiếu tiếng cười nói của trẻ thơ do cả hai đã kết hôn 4 năm nhưng vẫn chưa có con. Đến khi có tin vui, cô lại phải bảo vệ đứa con chưa chào đời trước một thế lực đáng sợ.

Đánh giá nhanh thì Vong Nhi chỉ ở mức trung bình với kịch bản non tay và diễn xuất nhàm chán. Nam nữ chính trợn mắt hơi nhiều, đóng vợ chồng mà trông tương tác gượng gạo. Lê Phương nhiều biểu cảm diễn hơi bị lố. Phim chiếu năm 2023 mà tạo hình ma quỷ cũ mèm, yếu tố giật gân cũng đi vào lối mòn của các phim từ chục năm trước, thành ra chả hù dọa được ai. Phim chịu khó sử dụng nhiều cú quay xe để gây bất ngờ cho khán giả như việc Thảo khó có con là do trước đây đã từng phá thai hay cô mới là người chết trong vụ tai nạn xe hơi rồi việc bà Thuận có khả năng nhìn thấy vong nhi. Nhưng cá nhân tôi thấy những chi tiết này không có vai trò gì quá quan trọng đến mạch truyện nên cuối cùng phim lại thành ra lạm dụng twist quá đà. Điều này thật ra ai để ý kỹ là có thể suy luận được. Đơn cử như ngoài vong sơ sinh bám theo Thảo thì còn có 1 vong bé gái mặc váy trắng nữa, nhưng chỉ xuất hiện thoáng qua. Rồi khi Thảo bò từ phòng bệnh để tìm con mà Như với các người khác đang ngồi trên ghế không đỡ cô dậy, hay cảnh cô giúp việc Nụ nói chuyện trước ban thờ nhưng không quay di ảnh thì đã thấy không bình thường rồi. Với cả Thảo có vẻ là một người khá mâu thuẫn. Lúc trước còn khóc lóc kêu “Tại sao người chết không phải là em?” nhưng lúc sau khi phát hiện ra chân tướng thì dương như không chấp nhận được sự thật: “Tôi muốn sống mà. Tôi muốn làm vợ Tùng mà.”

Tuy nhiên, điều tôi muốn nói về Vong Nhi lại là thông điệp phim muốn truyền tải dù có thể những gì tôi sắp viết sau đây có thể sẽ nhận phải nhiều phản hồi trái chiều. Tôi hiểu là phim muốn đề cập đến hành vi nạo phá thai. Đây đã và vẫn đang thực trạng nhức nhối không chỉ ở nước ta mà còn trên toàn thế giới từ nhiều năm nay. Tất nhiên tôi không cổ súy hành động này. Việc các bạn trẻ quan hệ ngày càng sớm trong khi lại thiếu kiến thức về tình dục, không sử dụng các biện pháp an toàn để bảo vệ bản thân và đối tác, dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn là sai. Các sinh linh bé bỏng ấy lại càng không có tội. Nhưng chúng ta cũng nên nhìn nhận sự việc theo cả hai phía. Nhiều người sẽ bảo sự sống là quan trọng nhất, cứ sinh ra rồi tính tiếp, hay như ông bà ta có câu “Trời sinh voi trời sinh cỏ”. Tôi lại không nghĩ vậy, vì sinh một đứa trẻ đã khó, nhưng nuôi dưỡng đứa trẻ ấy thành người lại càng khó hơn nữa. Con cái đi kèm với rất nhiều trách nhiệm lớn lao mà bậc làm cha mẹ phải đối diện, chứ không phải nghĩ đơn giản đẻ con chỉ để hoàn thành nghĩa vụ với hai bên gia đình hay vì sắp qua tuổi sinh nở. Và liệu có gì đảm bảo đứa trẻ sinh ra bởi những người chưa sẵn sàng làm bố mẹ sẽ có được cuộc sống tốt đẹp? Nhưng Vong Nhi dường như lại bỏ qua khía cạnh này khi 2 nhân vật nữ trong phim là Thảo và cô em họ tên Như đều bị trừng phạt khi đi bỏ thai. Như mới chỉ là sinh viên đại học năm 3 và chưa có công việc ổn định, ngay cả học phí cũng là do Thảo chu cấp. Cuộc đời của Thảo còn bi đát hơn khi trước đây cô từng bị 3 gã đàn ông hiếp dâm, để rồi mang thai mà không biết bố đứa bé là ai. Các bạn ạ, không phải ai cũng đủ điều kiện và dũng cảm để làm mẹ đơn thân, không phải đứa trẻ nào cũng mạnh mẽ để bỏ mặc ánh nhìn của người đời. Họ phá thai và đã phải chịu những đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng với đạo diễn và biên kịch của phim thì như thế vẫn là chưa đủ. Nhất là Thảo, trước đã mang trọng tội bỏ con nên giờ đi cùng với Như đến viện thôi mà cũng bị vong sơ sinh ám, Như thì đổ lỗi là vì Thảo mà mình mới bị đứa con oán hận. Trong khi Thảo chỉ đưa ra lời khuyên, còn quyết định vẫn là ở Như. Nếu phá thai là mang nghiệp, tại sao không đề cập đến bạn trai Như, 3 thằng cha khốn nạn hay người bạn của Thảo – kẻ gây ra tất cả bi kịch? Cô bạn kia dường như vẫn sống tốt, thậm chí còn nói ráo hoảnh với Thảo rằng “Chuyện đó qua lâu rồi, mày bỏ qua đi.” mà không biết rằng ký ức kinh khủng đó còn đeo bám Thảo đến tận bây giờ. Bảo nạn nhân bị cưỡng bức quên đi những gì đã xảy ra chẳng khác nào đâm cho người ta một nhát trí mạng xong cười xòa như chưa hề có gì xảy ra vậy.  Như và Thảo đâu thể tự dưng có bầu, tại sao bao nhiêu đau khổ lại chỉ dồn hết lên họ? Ngay khi tôi nghĩ Thảo sẽ vượt qua quá khứ để có cuộc sống mới bên chồng con thì Vong Nhi tiếp tục đẩy nỗi đau của cô lên đến đỉnh điểm bằng nhân vật Tùng. Người tưởng chừng như là ông chồng tâm lý, thương vợ lại không hề lắng nghe Thảo chút nào. Nhìn thấy bùa vong nhi thì to tiếng với Thảo trong khi cô đang mang bầu. Khi biết Thảo khó có con vì thành tử cung mỏng do từng nạo thai thì anh ta tức giận, cho rằng cô “lừa dối hết lần này đến lần khác”, “không tôn trọng cuộc hôn nhân này” dù Thảo đã hết lời giải thích. Đến khi Thảo chết rồi thì Tùng mới tỏ vẻ hối hận “Anh xin lỗi. Anh không muốn xa em và con.”. Tôi thấy mấy câu nói ấy quá là sáo rỗng bởi lúc đó, nếu anh ta bình tĩnh hơn thì mọi chuyện có thể đã khác. Thảo sai khi giấu kín mọi chuyện và không đi khám định kỳ là sai nhưng cũng vì cô ấy sợ cách phản ứng như vậy của anh đấy anh Tùng ạ. Thêm một điều nữa làm tôi thấy khó hiểu chính là câu chuyện của bác sĩ phụ sản Phương. Có thể Vong Nhi muốn phản ánh hai thái cực đối lập của những người phụ nữ, rằng trong khi Phương đang cố gắng tận dụng từng phút giây quý báu bên cậu con trai bị ung thư thì hàng ngày vẫn cô vẫn phải chứng kiến cảnh những người mẹ đang tâm vứt bỏ máu mủ của mình. Nhưng như tôi đã nói ở trên, không phải trường hợp nào cũng có thể so sánh được như vậy, mà cụ thể là trong phim này. Nếu phim xây dựng Thảo trước đây là một cô gái ăn chơi, sống buông thả, quan hệ đồng thuận cùng lúc với 3 người đàn ông để rồi có bầu thì tôi không có ý kiến gì. Đằng này cô ấy cũng chỉ là người bị hại thôi mà. Phim làm thế này chả khác nào yêu cầu phụ nữ một khi đã có thai thì phải giữ lại bằng mọi giá, không cần biết điều kiện và hoàn cảnh của họ như thế nào. Kể cả khi cái thai có là kết quả của nạn xâm hại hoặc loạn luân đi chăng nữa. Bởi một khi phá thai thì sẽ không có cơ hội để làm lại cuộc đời, giống như Thảo, chết làm hồn ma rồi vẫn không được tha.

=> Tôi ghi nhận sự cố gắng của Vong Nhi trong việc cố gắng khai thác một chủ đề khó và đầy nhạy cảm như nạo phá thai. Vong Nhi muốn truyền đạt ý tưởng nhân văn, nhưng cách triển khai câu chuyện lại đi sai hướng và gây nhiều tranh cãi, khiến phim trở nên đầy định kiến và phán xét.

.

Hôm nay 20/5 rồi, đã có ai xem Fast X chưa nhỉ? Mai dù có nắng nóng vỡ đầu tôi cũng sẽ ra rạp để xem Hương Vị Tình Thân phiên bản đua xe. Hy vọng là sẽ có gì đó mới mẻ để về chia sẻ với mọi người.

2 bình luận về “Về VONG NHI (The Unborn Soul)

  1. Thấy email báo có bài đăng mới của em là chị đọc ngay, rất thích văn phong và cách phân tích đánh giá của em. Chị chúc em luôn vui khỏe và luôn có hứng thú viết bình luận phim nhé. Mãi ủng hộ em!

    Đã thích bởi 1 người

Bình luận về bài viết này